Richard là một nghệ sĩ piano nổi tiếng, khán phòng các buổi biểu diễn hòa nhạc hoặc độc tấu của anh luôn đầy khán giả. Tuy vậy, đời sống riêng tư của anh không thành công lắm: vì những mâu thuẫn không thể hòa giải, vợ chồng anh đã li dị. Karina – vợ của Richard – cũng là một nghệ sĩ piano nhưng vì hoàn cảnh sống đưa đẩy, cô không thể hành nghề chuyên nghiệp như chồng. Sau khi chia tay, vì nhiều lý do cay đắng, họ thậm chí không thể làm bạn của nhau. Trong một buổi biểu diễn, Richard cảm nhận bàn tay mình có biến đổi, đó là những dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh ALS quái ác, chứng xơ cứng teo cơ mà nhà thiên tài vật lý Stephen Hawking đã mắc phải. Tiếp theo là quãng thời gian kinh khủng mà Richard phải chống chọi với căn bệnh này, tình cờ là với sự giúp đỡ của chính người vợ cũ đang hận anh nhất – Karina.
Nữ chính Karina là một cô gái đã bức ra khỏi vùng tỉnh lẻ của mình để trở thành một nghệ sĩ piano tài năng xinh đẹp, kết hôn với một người đàn ông trong mơ của nhiều cô gái. Thế nhưng, vì lý tưởng và mục đích sống của hai người không giống nhau nên rốt cuộc họ đã không còn có thể đi chung đường. Karina cho rằng bản thân có lỗi với Richard vì đã không trở thành người vợ như kỳ vọng của anh, đã không sớm giải thoát anh để anh có thể tìm người phụ nữ khác và có cuộc sống hạnh phúc hơn. Nhưng, qua những gì đã đọc trong “Từng nốt nhạc ngân” mình nghĩ rằng lỗi bắt nguồn từ cả hai phía.
“Từng nốt nhạc ngân” hoàn toàn không phải một quyển sách để giải trí. Nó không chứa đựng những lời tình tứ, những hành động lãng mạn, không có happy ending. Thông điệp mà quyển sách truyền tải là nỗi khó khăn đau khổ của bệnh nhân ALS và người nhà của họ, là tình thương giữa người với người, là tính nhân văn sâu sắc. Màu xanh dịu mắt của bìa sách không xoa dịu được sự nghiêm trọng và đau buồn của nội dung. Sách được dịch thuật rất tốt, các thuật ngữ y khoa khó nhằn được chuyển ngữ cẩn thận. Chữ in to rõ, tổng thể trình bày đẹp. Quyển sách sẽ giúp bạn đọc hiểu và đồng cảm được một chút với một trong những cái khổ của số phận con người.