Khi bắt đầu đọc cuốn “Người Đua Diều” do sự hiếu kì về vùng đất Trung Đông đầy tang thương và chiến tranh mà truyền thông đã tô vẽ nên. Mình tự hỏi, dưới ngòi bút của một nhà văn sinh ra và lớn lên ở Afghanistan, liệu cuộc sống nơi đây có thực sự tồi tệ như vậy. Đáng buồn thay, câu chuyện về hai đứa trẻ, hai mảnh đời trong “Người Đua Diều” còn ám ảnh hơn nhiều lần tưởng tượng của mình.
Đặt bối cảnh tại Kabul, Afghanistan những năm 70s, câu chuyện kể về cuộc đời của hai đứa trẻ Amir & Hassan, vừa gắn kết nhau bởi tình bạn thuần khiết và trung thành, vừa tách rời nhau bởi khoảng cách giai cấp và sự tàn khốc của số phận. Amir là con trai của một thương nhân giàu có và quyền lực, còn Hassan là con trai của người hầu lâu năm trong gia đình Amir. Phần đầu của cuốn sách tập trung miêu tả tình bạn thân thiết như hình với bóng của Amir và Hassan, một Afghanistan trù phú & giàu có trước sự xâm lược của Nga vào năm 1975, những kỉ niệm mà hai đứa trẻ có cùng nhau suốt thời niên thiếu - đẹp, hạnh phúc nhưng tiềm ẩn nhiều tai ương.
Và rồi, một bí mật ăn mòn tình bạn của cả hai mãi mãi, khiến người đọc cảm thấy đau đớn và tức giận đến mức phải đặt sách xuống, tĩnh tâm lại rồi mới có thể đọc tiếp. Đi đôi với bí mật ấy là sự xâm lược của Nga những năm 75 khiến Afghanistan bị giằng xé trước chiến tranh, và số phận hai đứa trẻ chính thức rẽ sang hai hướng tách biệt. Câu chuyện trong hàng chục năm tiếp theo là hành trình chuộc lỗi và đối mặt với quá khứ của Amir, đi tìm những bí mật bị giấu kín dưới cái mác “tầng lớp xã hội”.
“Người Đua Diều” thực sự là một cuốn sách đẹp. Đẹp trong cốt truyện; trong cách xây dựng nhân vật; và đẹp trong một quãng thời gian lịch sử được miêu tả tài tình dưới ngòi bút tả thực. Đẹp nhưng đau đớn, cá nhân mình khó có thể đọc “người đua diều” lần thứ hai do những cảm xúc tang thương mà câu truyện đem lại, nhưng đây là cuốn sách chắc chắn mình sẽ recommend cho mọi người vì đây là cuốn sách trọn vẹn nhất mà mình từng đọc.